Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh phụ khoa nguy hiểm hay gặp ở phụ nữ khi mà cùng với ung thư vú và ung thư cổ tử cung, căn bệnh này là 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh phụ nữ. Cuộc chiến chống lại sự nguy hại này càng trở nên cam go khi những biểu hiện, triệu chứng diễn ra âm thầm lặng lẽ… Bài viết này sẽ giúp các chị em hiểu rõ hơn về kẻ thù này để dễ dàng phòng tránh cũng như chữa trị.
Sơ lược về buồng trứng
Trong hệ thống sinh dục của phụ nữ, hai buồng trứng nằm trong khung chậu nắm vai trò như hai nhà máy sản sinh nội tiết tố nữ là estrogen và progesterone. Các nội tiết tố này tác động đến quá trình phát triển tuyến vú, hình dáng cơ thể và hệ thống lông tóc của người phụ nữ. Chúng cũng tác động đến chu kỳ kinh nguyệt và mang thai.
Hàng tháng, quá trình rụng trứng cũng diễn ra dưới sự điều khiển của buồng trứng: sẽ có 1 trứng được phóng thích khỏi 1 buồng trứng, trứng sau khi được phóng thích sẽ qua vòi trứng để đến tử cung (dạ con).
Ở người, cặp buồng trứng nằm trong khoang chậu, về hai phía của tử cung, qua đó chúng được gắn với nhau bằng sợi dây gọi là dây chằng buồng trứng. Buồng trứng không bị che phủ trong khoang phúc mạc, nhưng được gắn vào thành cơ thể qua dây chằng treo buồng trứng. Một phần của các dây chằng tử cung che phủ buồng trứng được gọi là mesovarium. Như vậy, buồng trứng là cơ quan duy nhất trong cơ thể người đó là hoàn toàn không có vỏ bọc nằm trong màng bụng.
Ung thư buồng trứng là gì
Cũng như các cơ quan khác của cơ thể con người, buồng trứng cũng được cấu tạo từ nhiều loại tế bào. Trong điều kiện bình thường, các tế bào lớn lên, phân chia và tạo ra nhiều tế bào khác khi cơ thể cần đến chúng. Quá trình này giúp cho cơ thể khoẻ mạnh. Tuy nhiên đôi khi các tế bào vẫn phân chia khi cơ thể không cần đến. Những tế bào thừa này hình thành nên 1 khối tổ chức mà người ta gọi là tăng sinh hoặc khối u. Khối u có thể là lành tính hoặc ác tính.
Khối u ác tính còn gọi là ung thư. Các tế bào trong loại khối u này là những tế bào bất thường, phân chia không theo nhu cầu của cơ thể và cũng không chịu sự kiểm soát nào của cơ thể. Chúng có thể xâm lấn và phá huỷ các mô và cơ quan xung quanh. Các tế bào ung thư có thể lan tràn từ nơi ban đầu đến các bộ phận khác ở xa trong cơ thể, quá trình này goi là sự di căn.
Khối u ác tính xuất phát từ buồng trứng gọi là ung thư buồng trứng. Có nhiều loại ung thư buồng trứng: Ung thư buồng trứng xuất phát từ bề mặt buồng trứng (còn gọi là ung thư biểu mô) là loại hay gặp nhất, trong khi đó những Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào sản xuất ra trứng (tế bào mầm) và Ung thư buồng trứng xuất phát từ mô nâng đỡ ở quanh buồng trứng ít gặp hơn.
Các tế bào ung thư buồng trứng có thể phát triển ra ngoài phạm vi buồng trứng và lan tràn đến các mô và cơ quan khác qua quá trình rơi rụng. Khi các tế bào u rụng ra, chúng có xu hướng cấy vào phúc mạc (1 màng lớn lót phía trong ổ bụng) và cơ hoành (1 cơ mỏng phân cách giữa ngực và bụng) để hình thành nên khối u mới. Ung thư buồng trứng cũng có thể gây nên dịch ổ bụng mà người ta còn gọi là dịch cổ trướng hay nước báng, làm cho bụng to lên và người bệnh có cảm giác đầy trướng.
Các tế bào ung thư buồng trứng cũng có thể chui vào máu hoặc hệ thống bạch huyết (các mô và cơ quan có trách nhiệm sản sinh và lưu trữ những tế bào bảo vệ cơ thể trước các bệnh nhiễm khuẩn), khi đó các tế bào u sẽ đi nhiều nơi và và hình thành nên những khối u mới tại đó.
Triệu chứng ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm thường diễn biến âm thầm, không có dấu hiệu đặc biệt. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ có ý thức quan tâm đến sức khỏe của mình sẽ phát hiện ra những dấu hiệu có thể đã mắc ung thư buồng trứng như:
– Bụng căng, đầy và to lên
– Luôn muốn đi tiểu khẩn cấp
– Đau hoặc khó chịu ở phần khung chậu
– Khó tiêu, đầy hơi hoặc buồn nôn kéo dài
– Thay đổi trong thói quen đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón)
– Thay đổi trong thói quen tiểu tiện
– Chán ăn
– Tăng hoặc giảm cân không rõ lý do
– Vòng bụng tăng lên
– Đau trong suốt quá trình giao hợp
– Mệt mỏi kéo dài
– Đau lưng dưới
Đặc điểm chung là những triệu chứng này kéo dài hoặc xấu dần đi một cách từ từ. Vì vậy, các bác sĩ có thể chẩn đoán ung thư buồng trứng trong vòng 3-6 tháng kể từ khi người phụ nữ có triệu chứng đầu tiên.
Đối tượng nguy cơ ung thư buồng trứng
Tiền sử gia đình: Những người có quan hệ huyết thống bậc 1 (mẹ, con gái, chị em gái) hoặc những phụ nữ đã bị ung thư buồng trứng tự bản thân họ sẽ có nguy cơ mắc cao hơn đối với loại ung thư này. Khả năng mắc sẽ đặc biệt cao nếu như có từ 2 người trở lên trong số những người có quan hệ huyết thống bậc 1 mắc bệnh này. Nguy cơ có thể nhỏ hơn 1 chút, nhưng vẫn cao hơn bình thường nếu như có những người có quan hệ huyết thống khác như bà, cô dì, chị em họ gần mắc bệnh ung thư buồng trứng. Tiền sử gia đình mắc ung thư vú hay ung thư đại tràng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
Tuổi: Khả năng phát sinh ung thư buồng trứng tăng theo tuổi của người phụ nữ. Hầu hết các ung thư buồng trứng xuất hiện ở tuổi trên 50, và nguy cơ cao nhất là ở tuổi trên 60.
Mang thai: Những phụ nữ chưa từng sinh con có nguy cơ cao hơn so với những phụ nữ đã sinh con. Trên thực tế, sinh càng nhiều con thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng càng giảm.
Tiền sử bản thân: Những phụ nữ có tiền sử bị ung thư vú hoặc ung thư đại tràng sẽ có nhiều khả năng mắc ung thư buồng trứng hơn so với những phụ nữ không có tiền sử.
Điều trị ung thư buồng trứng
Việc điều trị tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm diễn biến bệnh và sức khoẻ chung của bệnh nhân. Nhiều phương pháp khác nhau được kết hợp trong điều trị ung thư buồng trứng.
Phẫu thuật : là phương pháp điều trị đầu tiên thông thường đối với phụ nữ bị chẩn đoán ung thư buồng trứng. Phẫu thuật thường bao gồm cắt bỏ buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung thành 1 khối. Thông thường bác sĩ phẫu thuật cũng cắt cả mạc nối lớn (màng mỏng bao quanh dạ dày và đại tràng) và các hạch bạch huyết trong ổ bụng.Giai đoạn trong phẫu thuật : để đánh giá mức độ lan rộng của ung thư, bác sỹ phẫu thuật phải kiểm tra toàn bộ ổ bụng, hút dịch ổ bụng nếu có, lấy bỏ hạch bạch huyết, nhân di căn ở cơ hoành hay các cơ quan khác. Nếu ung thư đã lan rộng, phẫu thuật viên sẽ lấy tối đa tổ chức ung thư và qui trình này gọi là phẫu thuật giải tỏa u. Phẫu thuật này làm giảm tối đa khối lượng tổ chức ung thư để tạo điều kiện cho việc điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị sau mổ đạt kết quả tốt.
Hóa trị: là dùng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị được dùng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại trong cơ thể sau phẫu thuật, kiểm soát sự phát triển của khối u, hoặc làm giảm các triệu chứng bệnh.
Hầu hết các thuốc dùng để điều trị trong ung thư buồng trứng được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Các thuốc có thể tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc qua một ống nhỏ gọi là Catheter. Catheter được luồn vào trong một tĩnh mạch lớn, để lại một phần ống ở ngoài với độ dài cần thiết để bơm thuốc. Một số thuốc chống ung thư được dùng bằng đường uống. Dù dùng bằng đường tiêm hay đường uống, thuốc đều vào dòng máu và lưu thông khắp cơ thể.
Một cách dùng thuốc khác là bơm thuốc trực tiếp vào khoang bụng qua ống catheter. Với phương pháp này, hầu hết thuốc được giữ lại trong khoang bụng.
Sau khi kết thúc việc điều trị hóa chất, phẫu thuật thì hai có thể thực hiện nhằm kiểm tra ổ bụng bằng quan sát trực tiếp. Phẫu thuật viên có thể lấy bỏ dịch và các nhân nghi ngờ để kiểm tra xem thuốc chống ung thư có hiệu quả hay không.
Xạ trị: là việc dùng tia phóng xạ có năng lượng cao để tiêu diệt khối u. Xạ trị chỉ tác động đến các tế bào ung thư ở trong vùng chiếu xạ. Tia xạ có thể phát ra từ máy gọi là xạ trị ngoài. Một vài bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp gọi là xạ trị trong màng bụng, theo cách này một dung dịch chứa chất phóng xạ được bơm trực tiếp vào khoang bụng qua một ống catheter.